Gần 100 dự án bất động sản đang được gỡ khó ra sao?

178-180-182 Nguyễn Gia Trí, P. 25, Bình Thạnh, TP. HCM
0931522078
Gần 100 dự án bất động sản đang được gỡ khó ra sao?
Ngày đăng: 29/05/2023 05:17 PM

Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết đã sàng lọc các đề xuất, kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) liên quan đến 96 dự án trên địa bàn thành 5 nhóm. Đó là nhóm hoàn thành, đang được giải quyết, tạm dừng, không phù hợp với pháp lý hiện hành và không thuộc thẩm quyền. Danh sách này đồng thời được báo cáo UBND TP HCM, Sở Xây dựng thành phố và các phòng ban liên quan nắm tiến độ.

Nhóm thứ nhất có 10 kiến nghị được thông báo đã giải quyết xong (được ghi chú hoàn thành), liên quan đến các dự án nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Đó là trường hợp của Công ty Lê Thành, Công ty Địa ốc Xây dựng và Thương mại Sài Gòn 9, Keppel Land Group, Công ty Emico, Công ty Dệt Đông Nam, Công ty Phú Cường, Công ty Savico và Công ty Sinh thái Văn hóa Vĩnh Lộc.

Các kiến nghị thuộc nhóm này liên quan đến quyết định thu hồi đất, giao đất, nhận chuyển nhượng, miễn tiền sử dụng đất cho nhà ở xã hội đã vướng từ rất nhiều năm. Tuy được ghi nhận đã hoàn thành việc giải quyết kiến nghị cho doanh nghiệp nhưng trong số này vẫn còn các trường hợp hồ sơ chỉ mới dừng lại ở khâu đã trình và chờ UBND TP HCM có quyết định cuối cùng.

Công ty Gamuda Land kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận cho các căn hộ Khu A2 thuộc dự án Khu liên hợp thể dục thể thao và khu dân cư Tân Thắng (Celadon City) tại quận Tân Phú. Ảnh: Châu Long

Công ty Gamuda Land kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận cho các căn hộ Khu A2 thuộc dự án Khu liên hợp thể dục thể thao và khu dân cư Tân Thắng (Celadon City) tại quận Tân Phú. Ảnh: Châu Long

Nhóm thứ hai có 73 kiến nghị đang được Sở giải quyết. Đây đều là kiến nghị của các doanh nghiệp có nhiều dự án quy mô trung bình hoặc lớn tại các quận nội đô và ngoại ô thành phố, TP Thủ Đức. Các doanh nghiệp điển hình của nhóm 2 gồm có: Novaland, Công ty Thế Kỷ 21, Hưng Thịnh, Nam Long, Sơn Kim Land, Gamuda Land, Him Lam, Công ty Địa ốc Sài Gòn, Tập đoàn Sunshine, Sài Gòn Nam Đô, Việt Gia Phú, Phương Thiện Mỹ, Thuận Thành Phát.

Đa số vướng mắc của nhóm 2 liên quan đến đề xuất đấu giá quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận (sổ hồng), miễn tiền sử dụng đất, tính tiền sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng. Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay đang nỗ lực tìm giải pháp xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp.

Nhóm thứ ba có 7 kiến nghị tạm dừng giải quyết, rơi vào các dự án của các doanh nghiệp sau: Công ty Phúc Khang, Công ty địa ốc Thảo Điền, Him Lam, Dệt may Thắng Lợi, Công ty địa ốc Xanh và Novaland. Lý do Sở tạm ngừng giải quyết các hồ sơ này đa số vì cần cập nhật pháp lý, báo cáo trung ương và còn nhiều quan điểm khác nhau.

Nhóm thứ tư có 2 kiến nghị của doanh nghiệp phát triển dự án bị xếp vào diện không phù hợp với pháp lý hiện tại. Tương tự, nhóm năm cũng có 2 kiến nghị của chủ đầu tư dự án không thuộc trách nhiệm giải quyết của Sở.

Một doanh nghiệp có nhiều kiến nghị được Sở Tài nguyên và Môi trường xếp vào nhóm một và nhóm hai chia sẻ với VnExpress, các dự án của công ty ông đã đình trệ nhiều năm, lãi suất đã phát sinh rất lớn. Hiện nay chi phí tài chính đội lên cao đến mức khiến vốn đầu vào tăng lên gấp đôi so với thời gian đầu làm thủ tục pháp lý. Ông giãi bày hồ sơ đã chuyển đi chuyển lại mấy vòng song dự án vẫn ở diện chờ.

"Điều này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà cũng là thiệt thòi cho người mua, bởi sau này người tiêu dùng khó lòng tiếp cận được giá thấp do chi phí đầu vào cao, giá thành nhà ở cũng sẽ cao", ông nói.

Vũ Lê

Zalo
Hotline